Đề xuất mua nhà dưới 3,5 tỷ đồng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ

Hiệp hội Bất động sản TP HCM đề xuất người mua nhà ở thương mại dưới 3,5 tỷ đồng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ – vốn chỉ dành cho nhà xã hội.

Đề nghị này được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) nêu tại hội nghị tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh hôm nay.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, hiện 30 dự án có nhu cầu vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội. Các ngân hàng thương mại đã giải ngân 640 tỷ đồng cho dự án và 6 tỷ đồng cho người mua nhà. Tỷ lệ giải ngân gói này hiện khoảng 1%.

Ông Lê Hoàng Châu nhận xét gói 120.000 tỷ đồng giải ngân quá thấp, trong khi Thủ tướng đã chỉ đạo đảm bảo dòng vốn tín dụng rót vào các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.

Theo ông, đối tượng tiêu dùng bất động sản là người mua nhà. Để thúc đẩy tín dụng tiêu dùng lĩnh vực này, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước bổ sung người mua nhà thương mại dưới 3,5 tỷ đồng một căn (khoảng 35 triệu đồng mỗi m2) được tiếp cận gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng.





Nhà ở xã hội Khu ngoại giao đoàn, phía tây Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Nhà ở xã hội Khu ngoại giao đoàn, phía tây Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

HoREA cũng đề nghị Bộ Xây dựng cùng Ngân hàng Nhà nước khôi phục lại gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho người mua, thuê nhà ở xã hội. Gói này chỉ bằng 30% tổng nhu cầu vốn để thực hiện chương trình phát triển 1 triệu căn nhà xã hội tới 2030, lãi vay ưu đãi 4,8-5% một năm trong thời hạn tối đa 25 năm.

Gói 110.000 tỷ từng được Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ, Quốc hội hồi tháng 2/2023. Ý tưởng ban đầu, gói này sẽ lấy từ nguồn tái cấp vốn, cấp cho các ngân hàng thương mại để cho vay, nhưng sau đó bộ đã thôi đề xuất phương án này.

Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản để họ đủ điều kiện tiếp cận tín dụng. “Đây là giải pháp hiệu quả nhất để tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu năm nay”, ông Châu nói.

Hiệp hội này cũng kiến nghị thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại với đất khác và tách việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Giải pháp này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ tiếp cận tín dụng và các ngân hàng thuận lợi trong xét duyệt cho vay.

Ngành bất động sản gặp khó khăn từ giữa năm 2022, khi tín dụng cho lĩnh vực này bị thắt chặt, lãi suất cho vay tăng và một số lãnh đạo doanh nghiệp bị xử lý do vi phạm trong phát hành trái phiếu. Nhiều biện pháp tháo gỡ được đưa ra nhưng thị trường chưa phục hồi hoàn toàn. Đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp khó thu xếp dòng tiền trả nợ và lãi trái phiếu đến hạn.

Ngọc Diễm


Nguồn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *